Bản tin năng lượng số 21/2024
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 12/6/2024 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của nghị định về cơ chế DPPA
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Nghị định này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị định, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Trong đó, Bộ Công Thương cần báo cáo, giải trình rõ và thuyết phục hơn về phạm vi của Nghị định hiện nay, trường hợp có đầy đủ cơ sở, luận chứng, báo cáo rõ trong tương lai sẽ thực hiện áp dụng đối với các loại hình nguồn điện bảo đảm đầy đủ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật và Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, hiện tại cần nghiên cứu ngay việc mở rộng phạm vi của dự thảo Nghị định đối với các nguồn điện sinh khối, nguồn điện từ rác với tinh thần khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng xanh (bảo vệ môi trường) không chỉ giới hạn là điện gió và điện mặt trời.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của nghị định về cơ chế DPPA. (Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương cần làm rõ và thuyết phục hơn từ góc độ chuyên môn có số liệu dẫn chứng cụ thể, bao quát trên toàn bộ hệ thống điện giữa vấn đề an ninh năng lượng an toàn hệ thống và kỹ thuật khi quy định về đối tượng khách hàng có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh. Trong đó, làm rõ những chủ thể khách hàng lớn; có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh.
Về chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA), đây là một chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường; cần quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp, đồng thời quy định trách nhiệm của bên mua, bên bán, người mua và Nhà nước; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính sách này, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin - cho.
Đối với trường hợp bên mua, bên bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối đường dây trực tiếp với nhau (trực tiếp về vật lý), không thông qua hệ thống lưới điện của quốc gia: cần nêu rõ Quy hoạch điện VIII không hạn chế về quy mô công suất, các dự án phát triển điện năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện sản xuất từ rác, điện sinh khối, chỉ cần phù hợp với Quy hoạch tỉnh; cần quy định cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể, trình tự thủ tục đơn giản để khuyến khích tối đa; không quy định cứng về hợp đồng mà để các bên tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường; đồng thời quy định rõ, tách bạch cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với loại hình điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, nhà dân.
Quảng Ngãi chuẩn bị tham vấn ý kiến cộng đồng về nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Thông báo số 263/TB-UBND về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền tại cuộc họp cho ý kiến về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện tại khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền kết luận và chỉ đạo như sau:
Việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện tại khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong là hết sức cần thiết để đảm bảo việc xử lý rác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. Để triển khai thực hiện đầy đủ các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ liên quan đến dự án tại khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong, yêu cầu Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ động rà soát, làm việc cụ thể với đơn vị đề xuất dự án để bố trí quỹ đất cho phù hợp (tối thiểu 2ha), đảm bảo cự ly khoảng cách tuân thủ theo quy định của pháp luật; bố trí quỹ đất quy hoạch ô kỹ thuật phù hợp (với diện tích khoảng 1ha).
Ảnh minh họa
Về công nghệ, tiêu chuẩn phát thải dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện Tịnh Phong phải bằng hoặc hơn các nhà máy đã triển khai thực hiện tại các tỉnh thành khác; tính toán đảm bảo đơn giá xử lý rác phù hợp theo quy định và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Về tiến độ triển khai thực hiện dự án; sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Làm việc với nhà đầu tư đề xuất dự án, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện việc tham vấn cộng đồng dân cư vùng dự án trước ngày 20/6/2024.
Thực hiện đầy đủ các thủ tục để xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, làm cơ sở thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định…
Yêu cầu UBND huyện Sơn Tịnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án, phối hợp nhà đầu tư đề xuất dự án tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư khu vực ảnh hưởng đến dự án để đảm bảo tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Được biết, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện Tịnh Phong dự kiến nằm trên địa bàn thôn Thế lợi, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi - Công ty CP Tổng công ty đầu tư Hợp Nghĩa, với mục tiêu khi hoàn thành sẽ xử lý 700 tấn chất thải/ngày; kết hợp phát điện có công suất lên lưới khoảng 15MW. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến gần 1.800 tỷ đồng.
Hợp tác phát triển dự án điện rác tại Long An và Kiên Giang
Mới đây, BCG Energy (thành viên Tập đoàn Bamboo Capital, Việt Nam), Công ty SK Ecoplant (thuộc Tập đoàn SK, Hàn Quốc) cùng SLC (Sudokwon Landfill Site Management Corp – Tập đoàn quản lý bãi chôn lấp Sudokwon, Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện rác và các giải pháp xử lý rác thải tại tỉnh Long An, Kiên Giang.
Hợp tác giữa SLC, SK Ecoplant và BCG Energy nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải bằng các phương pháp tối ưu, tạo ra nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ba bên sẽ lên kế hoạch hợp tác đầu tư xây dựng những phương án xử lý rác thải bao gồm tái chế, phân loại, xử lý các bãi rác thải, xây nhà máy đốt rác phát điện và phát triển dự án quốc tế giảm khí thải nhà kính trên một số địa bàn các tỉnh phía Nam, những địa điểm tiềm năng bao gồm cả Long An và Kiên Giang.
Các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc sẽ hợp tác phát triển dự án điện rác tại Long An và Kiên Giang
Mới đây, theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hai nước sẽ tăng cường hợp tác lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, Hàn Quốc sẽ dành nguồn tài chính ODA xanh để tài trợ cho Việt Nam, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Từ việc hợp tác này sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư tại Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dựa trên cam kết này, sự hợp tác giữa BCG Energy, SK Ecoplant cùng SLC được kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp nhờ kết hợp bí quyết vận hành và quản lý chất thải 30 năm của Tập đoàn SLC, công nghệ biến rác thải thành năng lượng cùng mạng lưới toàn cầu của SK Ecoplant và khả năng phát triển dự án, nền tảng vững mạnh cũng như sự am hiểu địa phương của BCG Energy.
Trước đó, vào ngày 22/3, BCG Energy và SK Ecoplant ký kết thỏa thuận hợp tác tại trụ sở chính của SK Ecoplant ở Seoul (Hàn Quốc). Theo đó, cả hai bên cam kết phát triển hơn 700 MW năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Việc ký kết đầu tư điện rác và hợp tác quản lý chất thải này là bước đi cụ thể hóa cho thỏa thuận đã được hai bên ký kết trước đó tại Hàn Quốc.
Ngân Hà