|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 16/2024

Theo báo cáo của Ember – một tổ chức nghiên cứu khí hậu có trụ sở tại London (Anh), năm 2023, với sự gia tăng nhanh chóng của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo đã chiếm 30% tổng sản lượng điện của thế giới.

Năng lượng tái tạo chiếm 30% tổng sản lượng điện của thế giới trong năm 2023

Theo báo cáo Tổng quan điện toàn cầu của Ember, các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp 30,3% lượng điện toàn cầu trong năm 2023, tăng so với mức 29,4% của năm 2022 do sự gia tăng các dự án.

Trong đó, năng lượng mặt trời tiếp tục là nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất với sản lượng tăng gấp đôi so với than đá. Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil là những quốc gia dẫn đầu về lắp đặt điện mặt trời. Cụ thể, hơn 50% số cơ sở năng lượng mặt trời đã được bổ sung trên toàn cầu là đến từ Trung Quốc, với tổng sản lượng điện mặt trời toàn cầu tăng 23,2%.

Bên cạnh năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng có bước phát triển đáng kể. Trung Quốc tiếp tục là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này với 60% sản lượng điện gió mới trên toàn cầu.

Năng lượng tái tạo chiếm 30% tổng sản lượng điện của thế giới trong năm 2023

Mặc dù năng lượng sạch phát triển mạnh mẽ, than đá vẫn là nguồn cung cấp điện chính trên toàn thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là những quốc gia chiếm phần lớn cho sự gia tăng lượng điện sản xuất từ than trong năm qua.

Điều này đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo rằng việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch thải ra khí nhà kính, góp phần làm gia tăng nhiệt độ trái đất tạo ra thách thức lớn cho nỗ lực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Ember cho thấy một số quốc gia đã đốt than để bù đắp cho sự thiếu hụt thủy điện do hạn hán gây ra. Đây là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, cho thấy sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, các nhà phân tích dự đoán năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Dự kiến vào năm 2024, sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng nhanh hơn, dẫn đến giảm 2% lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Thường trực Chính phủ nêu yêu cầu về việc xây dựng cơ chế DPPA

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.

Ảnh minh họa

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các Nghị định: quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương, các Bộ liên quan phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu của Thường trực Chính phủ trong đó lưu ý:

Đối với Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn: trong quá trình xây dựng nghị định cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15/5/2024.

Đối với tiến độ xây dựng 2 Nghị định: cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG: đây là 2 cơ chế, chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh, góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, để 2 Nghị định nêu trên đi vào cuộc sống, khuyến khích được người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

Cụ thể, đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ thông tư hướng dẫn. Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào, giá bán trên nguyên tắc nào, nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện...

Về Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG: cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí và tác động của các chính sách nhất là với giá và sản lượng…

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoàn thiện 2 Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2024.

Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 65/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Sẵn sàng phương án cung ứng, huy động tất cả các nguồn điện có thể, chủ động trong trường hợp cần thiết để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, nhất là thời gian cao điểm nắng nóng. Đồng thời, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành, khai thác.

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng

Bên cạnh đó, tích cực, chủ động thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen...

Thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới, nhất là từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng, đô thị hóa, các ngành, lĩnh vực mới nổi...

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết